ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

 

ĐỀ THI TUYỂN SINH SAU ĐẠI HỌC ĐỢT 1 NĂM 2016

MÔN THI CƠ SỞ: KINH TẾ HỌC

Thời gian làm bài: 180 phút

 

Câu 1 (2 điểm):

Bằng các kiến thức đã học, anh/chị hãy bình luận về cung - cầu, giá cả và sản lượng cân bằng của thị trường lúa gạo Việt Nam do tác động của hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng ở Đồng bằng Sông Cửu Long hiện nay?

 

Câu 2 (2 điểm):

Giả sử nền kinh tế vừa trải qua một cú sốc giảm nguồn cung làm tăng giá xăng khiến chi phí sản xuất của hầu hết các doanh nghiệp tăng lên. Sau sự kiện đó, không có bất kỳ một cú sốc nào khác và cũng không có nguồn nhiên liệu khác thay thế xăng.

Anh (chị) hãy sử dụng mô hình AD-AS để mô tả tác động của cú sốc nói trên tới mức giá chung, sản lượng và việc làm của nền kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn.

 

Câu 3 (3 điểm):

Một hãng sản xuất trong ngắn hạn có hàm cầu là: QD  = 360  ̶   2P và ATC = 60.

  1. Đây là hãng cạnh tranh hoàn hảo hay độc quyền thuần túy? Giả sử hãng đang bán với giá P = 60, doanh thu của hãng là bao nhiêu? Tính hệ số co dãn của cầu theo giá tại mức giá này và cho nhận xét.
  2. Giả sử hãng đang bán với giá P = 70, hãng dự định tăng giá để tăng doanh thu, dự định đó có thực hiện được không? vì sao? Tính hệ số co dãn của cầu theo giá tại mức giá này và cho nhận xét.
  3. Giả sử hãng đang bán với giá P = 80, hãng dự định tăng giá để tăng lợi nhuận, dự định đó có thực hiện được không? vì sao? Chi phí cố định của hãng là bao nhiêu? Tính hệ số co dãn của cầu theo giá tại mức giá này và cho nhận xét. Vẽ đồ thị biểu diễn phần lợi nhuận tối đa của hãng tại mức giá này.

 

Câu 4 (3 điểm):

Cho các số liệu về một nền kinh tế giả định:

C = 60 + 0,8YD ; I = 150; X = 150; T =  0,2Y; M = 0,2Y; Yp  = 1.000; các biến số kinh tế khác không đổi.

Trong đó, C là tiêu dùng của hộ gia đình; I là đầu tư của doanh nghiệp; G là chi của tiêu chính phủ; M là nhập khẩu; T là doanh thu từ thuế; Y là sản lượng hay thu nhập; YD  là thu nhập khả dụng; YP  là sản lượng tiềm năng.

  1. Hãy tính số nhân chi tiêu, mức sản lượng cân bằng đảm bảo cho ngân sách cân bằng và nhận định về trạng thái của nền kinh tế?
  2. Giả sử chi tiêu chính phủ là G = 210, cho biết mức sản lượng cân bằng và ngân sách của chính phủ. Hãy bình luận về chính sách tài khóa trong trường hợp này?
  3. Bây giờ, bổ sung thêm các số liệu của thị trường tiền tệ:

Các ngân hàng thương mại dự trữ theo đúng quy định của ngân hàng trung ương là Cb = 10%. Tỷ lệ tiền mặt lưu thông ngoài ngân hàng là Cp = 20% (so với lượng tiền lượng tiền gửi tại ngân hàng thương mại); Hàm cầu tiền thực MD  = 600  ̶  20r, Cơ số tiền của nền kinh tế là H = 100.

Hàm đầu tư thay đổi thành I = 150  ̶  20r (r là lãi suất của thị trường tiền tệ, tính bằng %).

  • Hãy tính hàm cung tiền và lãi suất cân bằng của thị trường tiền tệ?
  • Hãy tính mức sản lượng cân bằng mới và nhận xét về Cán cân ngân sách, cán cân thương mại tại trạng thái này so với trạng thái ban đầu?

 

____________________________________

Ghi chú:

  • Đề thi này gồm 02 trang’
  • Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm

 

Đề thi cùng năm: Đề thi Kinh tế học cao học Quốc gia hà nội T9.2016