Tài sản và nguồn vốn là hai đối tượng của kế toán, nhưng hiện nay rất nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa tài sản và nguồn vốn.

 

1. Tài sản của doanh nghiệp

1.1. Khái niệm

Tài sản: của đơn vị là toàn bộ những nguồn lực kinh tế mà đơn vị đang nắm giữ, sử dụng cho hoạt động của đơn vị, thỏa mãn đồng thời các điều kiện:

  • Đơn vị có quyền sở hữu hoặc quyền kiểm soát và sử dụng trong thời gian dài

  • Có giá phí xác định

  • Chắc chắn thu được lợi ích trong tương lai từ việc sử dụng nguồn lực này

1.2. Phân loại

Tài sản của đơn vị có thể phân loại như sau:

1/ Tài sản cố định: Nhà cửa, máy móc, thiết bị, kho tàng, phương tiện vận tải

2/ Các loại nguyên vật liệu (nguyên vật liệu chính, vật liệu phụ, nhiên liệu)

3/ Công cụ, dụng cụ

4/ Hàng hoá, thành phẩm

5/ Tiền mặt

6/ Tiền gửi ngân hàng

7/ Các loại chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu)

8/ Các khoản nợ phải thu: Phải thu của khách hàng, tạm ứng, phải thu nội bộ, phải thu khác…

9/ Tài sản cố định vô hình khác: Quyền phát hành, bằng phát minh, sáng chế, nhãn hiệu, tên thương mại, chương trình phần mềm, quyền sử dụng đất,…

👉 Để hiểu rõ hơn về tài sản cố định, bạn có thể tham khảo bài viết: Kế toán tổng hợp giảm tài sản cố định

 

2. Nguồn vốn của doanh nghiệp

2.1. Khái niệm

Nguồn vốn là nguồn hình thành nên tài sản của doanh nghiệp. Nguồn vốn cho biết tài sản của doanh nghiệp do đâu mà có và doanh nghiệp phải có những trách nhiệm kinh tế, pháp lý đối với tài sản của mình.

2.2. Phân loại

Nguồn vốn của doanh nghiệp gồm 2 loại: Nguồn vốn chủ sở hữu và các khoản Nợ phải trả.

Nguồn vốn chủ sở hữu: Là số vốn do các chủ sở hữa đóng góp tạo nên, đơn vị không phải cam kết trả nợ.

Tùy theo hình thức sở hữu mà nguồn vốn chủ sở hữu có thể do Nhà nước cấp, do cổ đông hoặc xã viên góp cổ phần, nhận vốn góp liên doanh, hoặc do chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ công ty TNHH đầu tư vốn.

Nguồn vốn chủ sở hữu được phân chia thành các khoản sau:

1/ Nguồn vốn đầu tư của chủ sở hữu

2/ Lợi nhuận chưa phân phối

3/ Các loại quỹ chuyên dùng: Quỹ đầu tư phát triển; Quỹ khen thưởng và phúc lợi; Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản…

 

Nợ phải trả: Là số vốn vay, chiếm dụng của tổ chức cá nhân khác mà đơn vị có nghĩa vụ phải thanh toán (đơn vị phải cam kết trả nợ).

Nợ phải trả bao gồm các khoản:

1/ Phải trả người bán

2/ Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước

3/ Phải trả người lao động

4/ Phải trả nội bộ

5/ Vay và nợ thuê tài chính

6/ Nhận ký quỹ, ký cược…

7/ Người mua ứng trước tiền hàng

8/ Phải trả phải nộp khác

 

Kết luận: Như vậy Tài sản và Nguồn vốn có mối quan hệ mật thiết với nhau, bất kỳ một loại tài sản nào cũng được hình thành từ một hoặc một số nguồn vốn nhất định hoặc ngược lại một nguồn vốn nào đó có thể tham gia hình thành nên một hay nhiều tài sản khác nhau. Tại một thời điểm mối quan hệ giữa giá trị tài sản và nguồn vốn kinh doanh được thể hiện qua các đẳng thức kinh tế cơ bản sau:

Tổng TS = Tổng NV

Tổng TS = Nguồn VCSH + Nợ phải trả

Nguồn VCSH = Tổng Nguồn vốn – Nợ phải trả